Cạnh tranh Sega

Trong lịch sử game, thời kỳ này là cột mốc thứ tư của máy chơi game video chuyên dụng. Thị trường bị chi phối bởi sự cạnh tranh của hai đối thủ là SNES của Nintendo và Genesis của Sega và điều này đã khiến thời kỳ 16 bit trở thành một trong những cuộc chiến nóng bỏng nhất trên đất Mỹ.

Cuộc đối đầu không phân thắng bại

Vào năm 1989, hai công ty của Nhật là Sega và NEC đồng loạt phát hành sản phẩm của mình là Mega Drive/Genesis (ở Nhật và châu Âu sản phẩm được gọi là Mega Drive, còn tại Mỹ được gọi là Genesis) và TurboGrafx 16 ngay trước ngày lễ Giáng sinh. Hai hệ máy này được đánh giá là có lịch sử sáng sủa. Nhưng dòng máy Genesis mạnh mẽ hơn đã chiếm được phần lớn các đơn đặt hàng vào đầu những năm 1990. Một năm sau đó, Sega phát hành trò chơi Sonic the Hedgehog và không phụ lòng của các nhà phát triển, game này đã chứng tỏ mình là con át chủ bài trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ máy Genesis.

Chiến dịch quảng cáo của Sega trong mùa Giáng sinh 1991 đã đẩy nhanh tốc độ bán trò chơi "hộ mệnh" của hãng. Cũng vào cuối năm này, Nintendo phát hành Super NES (còn gọi tắt là SNES, còn sản phẩm tương tự ở Nhật gọi là Super Famicom) theo công nghệ 16 bit để cạnh tranh với Genesis. Sản phẩm này đi liền với trò chơi Super Mario World, phiên bản mới của Mario nổi tiếng một thời. Cuộc chiến 16 bit bắt đầu.

Sega và Nintendo đã nỗ lực hết mình để giành giật lợi thế trên thị trường. Genesis với game Sonic the Hedgehog nhanh chóng "qua mặt" sản phẩm của hãng Nintendo. Sega tự mình tạo ra một thuật ngữ tiếp thị gọi là "Càn quét" để ám chỉ lợi thế công nghệ của Genesis đối với SNES. Có thể nói, hoạt động tiếp thị sản phẩm của Sega trong thời kỳ này hết sức quyết liệt và "hiếu chiến" với những khẩu hiệu như "Sega làm được điều Nintendo không thể" hay "Tiếng hét Sega"...

Tất nhiên, Nintendo không phải tay vừa. Họ đã đáp trả bằng những trò chơi mang phong cách Mario như The Legend of Zelda, Star Fox, Super Metroid, Donkey Kong Country và nhiều game khác nữa cho SNES, Game Boy. Nhưng rồi Sonic the Hedgehog 2 xuất hiện vào năm 1992 và còn tỏ ra ăn khách hơn phiên bản đầu tiên. Không đầy một năm sau, Nintendo lại tiếp tục phát hành bản cải tiến của Super Mario trên SNES với tiêu đề Super Mario All-Stars.

Khi trò chơi Mortal Kombat xuất hiện trên thị trường, nó đã bị chỉ trích là chứa những cảnh bạo lực đẫm máu và mục đích của những lời bình luận là nhằm vào các loại máy chơi game. Nintendo đã quyết định kiểm duyệt cảnh đánh đấm ác liệt trong các phần mềm, trong khi Sega thì lại không đoái hoài gì đến. Cha đẻ của NES đã lập nên chính sách quản lý dài hạn, còn Sega thì bắt đầu đặt mình ở vị trí "người lớn" hơn và sẵn sàng đưa đến tay game thủ những nội dung mà Nintendo chỉ trích là "không thân thiện với gia đình".

Nhiều người chơi (nhất là giới trẻ) đã "dán mác" cho mình là fan của Nintendo hay Sega và tất nhiên, hai lực lượng này chống đối và bài trừ lẫn nhau. Ngay cả các tạp chí game ủng hộ cho một dòng máy cũng lao vào cuộc và tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa.

Nintendo và Sega vẫn còn ganh nhau trên chiến trường thiết bị ngoại vi dành cho máy chơi game. Sega đã thử sức với Sega Mega CD (ở Mỹ là Sega CD) và Sega 32X – tuy nhiên cả hai đều không thành công lắm. Còn Nintendo thì thử sức với Satellaview và Super Game Boy và không ngờ họ gặt hái được vụ mùa không tồi chút nào.

Tuy nhiên, trong cuộc đấu giữa hai đối thủ này không xác định được người thắng kẻ bại. Mega Drive ra đời trước SNES những 3 năm. Nhưng trong thời gian đầu tiên, sản phẩm của Sega không nổi bật lắm; cho đến khi họ tung ra trò chơi Sonic the Hedgehog thì mới tạo ra cú bứt phá ngoạn mục. Ở châu Âu, Mega Drive bán được nhiều hơn SNES, còn ở Nhật thì Super Famicom qua mặt được Mega Drive. Trên thị trường Mỹ, Genesis hơn được SNES 5% doanh thu. Nhưng nhìn chung, họ là những đối thủ cân sức cân tài.

Cho đến năm 1995, cơn sốt 16 bit lắng xuống khi Nintendo và Sega tiếp tục cho ra đời dòng máy mới, khi những kẻ bị coi là "ngoài cuộc" như Sony, Commodore và Phillips cũng tham gia vào trận chiến. Thế hệ mới này báo hiệu một kỷ nguyên mới là thời kỳ 32 bit với đồ họa 3D.

Xâm nhập thị trường châu Âu

Kỷ nguyên 16 bit cũng là thời kỳ mà việc mua game nhập khẩu từ Mỹ vào châu Âu đã phát triển hơn, các cửa hàng bình thường cũng bắt đầu bán các loại máy này. SNES đặc biệt phổ biến vì những lý do sau:

- Các game phát hành ở châu Âu thường có tốc độ chậm hơn so với ở Mỹ. Hơn nữa, do ti vi ở hai khu vực này khác nhau về tốc độ refresh nên các nhà phát triển rất khó khăn trong việc chuyển đổi những trò chơi được thiết kế theo tiêu chuẩn của Mỹ và Nhật sang chuẩn của châu Âu.

- Chỉ một số ít game nhập vai được phát hành ở châu Âu do chúng cần phải được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trò chơi nhập vai thường có nhiều "chữ nghĩa" hơn các thể loại khác và nhà sản xuất không thể chứa các bản game dịch trong một băng duy nhất được. Chi phí dịch thuật ra toàn bộ các thứ tiếng ở châu Âu cũng là một rào cản đối với họ.

Vào thời kỳ này chip chỉnh sửa (modchip hay còn gọi chip đa năng) được cài đặt rất phổ biến trong các máy chơi game hoặc bộ điều chỉnh điện. Những chip này là thiết bị có thể qua mặt cơ chế bảo mật đi kèm với máy. Tuy nhiên, do các kỹ thuật bảo vệ khác nhau và với chip Super FX, người tiêu dùng ở châu Âu buộc phải mua các máy đổi điện mới để giúp cho máy hoạt động bình thường đối với các trò chơi nhập khẩu.

Công nghệ của Sega Mega Drive/ Genesis

Sega Mega Drive là dòng máy chơi game chuyên dụng mà hãng Sega phát hành năm 1988 ở Nhật và châu Âu, còn phiên bản tại Mỹ có tên là Sega Genesis. Sản phẩm đã trở thành nhân vật chính trong "cuộc chiến máy chơi game" vào đầu những năm 1990.

Các loại máy chơi game cá nhân 16 bit như Amiga và Atari ST, cũng như nhiều máy thùng theo công nghệ này, đã bỏ lại thế hệ 8 bit lỗi thời. Do lúc bấy giờ Nintendo đã chiếm lĩnh đến 95% thị trường game video ở Bắc Mỹ và 92% thị phần Nhật nên hãng Sega biết rằng máy SMS của họ sẽ không làm ăn gì được ở hai vùng đất màu mỡ nhưng có chủ này mà tập trung thiết kế dòng sản phẩm mới.

Do các trò chơi máy thùng System 16 mà Sega đang sản xuất vào lúc bấy giờ rất thịnh hành nên Hayou Nakayama, Tổng giám đốc điều hành của Sega, đã quyết định sáng tạo nên sản phẩm máy chuyên dụng theo công nghệ 16 bit. Thiết kế cuối cùng hoạt động rất tốt và do đó họ đã sử dụng 3 phiên bản máy thùng mới là Megatech, Megaplay và System C. Bất kỳ trò chơi nào được phát triển cho ba loại máy mới này cũng có thể hoạt động được trên Mega Drive.

Thiết bị ngoại vi cho Sega Mega Drive/ Genesis

Ba thiết bị bổ trợ đã được sản xuất cho Mega Drive ở Nhật và hai sản phẩm được gắn thêm vào dòng máy này ở châu Âu và Australia. Ví dụ như modem mang nhãn hiệu Sega Meganet chỉ được phát hành ở Nhật; ổ đĩa Sega Mega CD được sản xuất cho tất cả các máy Mega Drive trên thế giới.

Sega Meganet là dịch vụ mạng cho phép người chơi ở Nhật có thể tích hợp một modem vào máy Mega Drive để đấu game trực tuyến với nhau. Những trò chơi hỗ trợ mạng cho dòng máy này là Phantasy Star II (thể loại phiêu lưu "bằng chữ"), Sonic Eraser (game giải đố dạng Sonic the Hedgehog) và Mahjong. Tuy nhiên, Meganet đã không được đón nhận rộng rãi và không có nhiều game được phát triển cho hình thức chơi trực tuyến này.


Ba loại ổ CD của Sega

Ổ CD dành cho Mega Drive có ba loại là Mega-CD 1, 2 và CDX (hay còn gọi là Multimega).

Thiết bị này cho phép người sử dụng các đĩa tiếng CD và đĩa game chuyên dụng, đồng thời chạy được cả đĩa CD+G (đĩa CD kèm hình, viết tắt từ CD+Graphics, thường được dùng trong các đĩa hát karaoke, trong đó lời bài hát được lưu dưới dạng hình ảnh).

Việc phát triển Sega CD hồi đó là một kế hoạch tuyệt mật. Các nhà lập trình game không hề hay biết là họ đang thiết kế cái gì cho đến khi Mega-CD cuối cùng được tiết lộ tại Triển lãm đồ chơi Tokyo (Nhật Bản). Dòng sản phẩm này được tung ra để cạnh tranh với PC Engine lúc đó đã có ổ CD-ROM rời. Mới đầu Sega CD là một khay chứa đĩa nằm dưới thân máy nhưng sau đó, phiên bản 2 trở nên nhỏ gọn hơn và được lắp đặt vào cạnh máy.

Sega Mega Drive 2 được giới thiệu vào năm 1993. Thiết kế mới có chi phí thấp hơn và kích cỡ nhỏ hơn do cải tiến chip và bỏ khe cắm tai nghe. Cũng giống như các phiên bản của Mega Drive 1, dòng máy mới có tính năng "kiểm tra bản quyền" trong phần cứng và do đó phá bỏ khả năng tương thích đối với những trò chơi cũ không được cấp phép. Ổ đĩa Mega-CD 2 mới cũng được tích hợp vào phiên bản thứ 2 này.

Mega Drive được thiết kế để tương thích "ngược" với hệ SMS hay còn gọi là Mark III đời 8 bit bằng cách sử dụng một máy chuyển đổi điện năng giống như nắn dòng Mega ở Nhật, Mỹ hay châu Âu. Thiết bị này được đặt ở phía trên thân máy và lọt vừa khe cắm băng game, cùng với một nút "dừng’ ở mặt trước. Hầu như máy có thể chơi tất cả các trò dành cho SMS nhưng một số thì không thể do khác biệt về phần cứng.

Công nghệ Super Famicom/ Super NES

Masayuki Uemura, người lãnh trách nhiệm thiết kế Famicom vài năm trước đó, được giao nhiệm vụ thiết kế phiên bản tiếp theo là Super Famicom. Vào ngày 21/11/1990, sản phẩm ra lò với giá 25,000 yên (khoảng 200 USD). Thành công mau chóng đã khiến hãng xuất xưởng đến 300.000 máy. Famicom được ưa chuộng đến nỗi người ta nói rằng chúng đã bị tổ chức tội phạm khét tiếng Yakuza để mắt tới, buộc lòng Nintendo phải vận chuyển hàng trong đêm tối để tránh bị cướp. Tại Nhật, Super Famicom dễ dàng qua mặt đối thủ chính là Mega Drive và Nintendo đã chiếm được 80% thị phần máy chơi game, phần lớn là do họ duy trì được các bên phát triển thứ ba cho dòng máy này, đó là Capcom, Konami, Tecmo, Square, Koei và Enix.

Mười tháng sau đó, tháng 8/1991, Nintendo phát hành bản Super Famicom với vỏ ngoài mới cho thị trường Bắc Mỹ, có tên gọi Super Nintendo Entertainment System. Mới đầu sản phẩm có giá 200 USD và bao gồm trò chơi Super Mario World. SNES còn được đưa vào thị trường Anh và Ireland tháng 4/1992 với giá "hữu nghị" 150 USD.

Tuy nhiên, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc phát hành sản phẩm tại Mỹ và Anh. Trước hết, nhiều game thủ Mỹ do rất mong chờ tính năng tương thích ngược (đặc điểm có ở Atari 2600 và 7800), nhưng SNES không được thiết kế để chơi các băng game cho NES. Thứ hai là đến cuối năm 1991, Sega Mega Drive/Genesis đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Mỹ và châu Âu.

Mặc dù SNES vượt qua Genesis một cách chậm chạp, khả năng kỹ thuật cùng hình ảnh "thân thiện với gia đình" của Nintendo, các nhân vật game đã trở thành biểu tượng như Mario và đội ngũ nhà phát triển thứ 3 đông đảo hơn đã giúp họ cuối cùng cũng vươn lên giành thế áp đảo. Vào cuối thời kỳ 16 bit, SNES đã bán được gấp đôi sản phẩm so với Genesis.

Cho đến năm 1996, thời kỳ 16 bit kết thúc và một thế hệ console mới ra đời, trong đó có Nintendo 64 và khiến cho SNES chìm dần vào quên lãng. Vào tháng 10/1997, Nintendo đã phát hành bản SNES thiết kế lại ở Mỹ với giá 99 USD (kèm trò chơi Super Mario World 2: Yoshi's Island). Giống như NES 2, bản mới này được thiết kế mỏng hơn và nhẹ hơn. Cùng thời gian đó, tại Nhật cũng xuất hiện Super Famicom Jr dược thiết kế lại từ Super Famicom..

Chi nhánh Nintendo ở Bắc Mỹ ngừng sản xuất SNES vào năm 1999 còn tại Nhật, Super Famicom tiếp tục được sản xuất cho đến tháng 9/2003. Trong những năm gần đây, nhiều đầu mục trò chơi SNES đã được đưa vào máy cầm tay Game Boy Advance với những tính năng tương tự. Một số chuyên gia về trò chơi điện tử cho rằng kỷ nguyên SNES là "thời kỳ vàng son của game video" do những tiến bộ vượt bậc trong ngành sản xuất các phần mềm kinh điển cho những đầu máy chơi game.

Các băng game hồi đó có kiểu dáng khác nhau, tuỳ vào nơi phát hành vì nhà sản xuất muốn kiểm soát từng thị trường riêng lẻ. Mẫu băng game tại Bắc Mỹ có đáy hình chữ nhật và rãnh, trong khi đó sản phẩm tại Mỹ có đường cong nhẵn ở phía trước và không có rãnh. Do máy ở Mỹ có đường gờ lồi nên các băng game sản xuất cho thị trường Nhật Bản hay châu Âu không thể nhét vừa.

Ngoài ra, chip "khoanh vùng" trong máy và trong từng băng game đã hạn chế việc sử dụng hoán đổi lẫn nhau giữa các dòng sản phẩm. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa máy cùng các thiết bị nắn dòng đều có thể giúp người sử dụng vượt qua được những rào cản đó.

Thiết bị ngoại vi cho Super Famicom/ Super NES

Trong quá trình phát triển SNES, có vô số thiết bị ngoại vi được sản xuất cho phần cứng này để tăng cường chức năng của SNES. Nhiều thiết bị loại này được thiết kế theo các dòng sản phẩm dành cho máy NES. Ví dụ như Super Scope là loại súng ánh sáng tương tự như súng Zapper của NES (nhưng Scope có tính năng kết nối không dây) và Super Advantage là cần điều khiển giống như trên máy thùng. Ngoài ra, họ còn tung ra sản phẩm chuột SNES để chơi được với game Mario Paint và sau đó hãng Hudson Soft, được phép của Nintendo, đã phát hành Super Multitap, một loại điều biến (adaptor) hỗ trợ chế độ chơi nhiều người (lên đến 8 người cùng tham gia).

Một trong những thiết bị ngoại vi thú vị nhất dành cho SNES là Super Game Boy. Đây là loại băng game điều biến (adaptor cartridge) cho phép các trò chơi được thiết kế cho máy cầm tay Game Boy có thể hoạt động được trên SNES. Super Game Boy tạo ra được nhiều cải tiến lớn như hỗ trợ thêm về màu sắc và giới hạn màn hình tùy ý.

Cũng giống như NES, SNES còn có thị phần tương đối khá đối với các thiết bị ngoại vi không giấy phép do các bên thứ ba sản xuất, trong đó có loạt thiết bị "lừa đảo" có tên Game Genie do hãng Galoob phát hành để sử dụng với các trò chơi SNES, cũng như vô số thiết bị sao chép game. Nói chung, vào thời điểm này, Nintendo tỏ ra khá "rộng lượng" hơn với các thiết bị ngoại vi không giấy phép cho SNES so với máy NES trước đây.

Nhật Bản còn chứng kiến sự xuất hiện của modem mang tên gọi Satellaview được nối với cổng mở rộng của Super Famicom và cả trạm thu phát radio vệ tinh St. GIGA. Người sử dụng có thể tải các tin tức về game được phát hành hàng tháng.

Đến gần thời kỳ cuối của SNES, Nintendo đã đàm phán với Sony và Philips để phát triển ổ CD-ROM cho máy nhưng không thành công.